Nét mới của nông nghiệp Hà Nội
Với diện tích sản xuất lúa khoảng 200.000 ha, những năm vừa qua, nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội, sự đồng thuận của nông dân trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, năng suất, chất lượng lúa đã ngày một nâng cao. Tuy nhiên khâu gieo cấy lúa cơ bản vẫn theo phương pháp cấy tay truyền thống. Diện tích gieo sạ bằng công cụ kéo tay mới đạt khiêm tốn khoảng 7%. Chính vì vậy, cơ giới hóa trong khâu gieo cấy là mắt xích quan trọng, có thể coi là nhân tố quyết định thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa của Hà Nội.

Vụ Đông Xuân 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (TTKNHN) đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy tại các xã Tân Ước (huyện Thanh Oai), xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) với diện tích từ 13 ha đến 15 ha với giống lúa hàng hóa TBR 45. Qua triển khai thực hiện mô hình, xã Tân Ước được hỗ trợ mua 01 máy cấy và 1.500 khay mạ. Theo ông Nguyễn Đắc Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Ước, sau hơn 40 ngày cấy, cây lúa phát triển tốt, tỷ lệ đẻ nhánh cao, sâu bệnh ít. Lượng thóc giống sử dụng khoảng 700g/sào, giảm được 2/3 so với cấy tay. Xã phấn đấu, thời gian tới mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 30%. Còn tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, phương pháp mới này đã được triển khai thí điểm trên diện tích 15ha. Hiện diện tích lúa gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy của toàn thành phố đạt 1.500ha.
 

Kỹ sư nông nghiệp của Công ty Kubota hướng dẫn quy trình sử dụng máy cấy.

Các kỹ sư nông nghiệp của Công ty Kubota hướng dẫn kỹ thuật ủ mạ khay.

Cấy bằng máy với mạ ủ khay sẽ giảm được khoảng 2/3 lượng thóc giống so với cấy tay.

Mạ khay đạt tiêu chuẩn kỹ thuật có thân thẳng, cứng, lá xanh.

Trình diễn quy trình cấy bằng máy với mạ khay.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
đánh giá về tiến độ áp dụng mạ khay, máy cấy vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc.


Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKNHN: “Thực tiễn sản xuất cho thấy, sau hơn một năm nông nghiệp Hà Nội ứng dụng công nghệ gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy, phương pháp này đã đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với việc gieo cấy truyền thống như lúa đẻ nhánh tốt và cây sinh trưởng mạnh hơn”. Việc áp dụng phương pháp mạ khay, máy cấy giúp cây lúa cấy xong trở nên đồng đều hơn. Khoảng cách giữa các hàng cố định khoảng 30cm, ruộng thông thoáng, giảm thiểu sâu bệnh, năng suất tăng khoảng 10% và lợi nhuận cao hơn gần 7 triệu đồng/ha so với lúa cấy truyền thống. Ngoài ra, phương pháp này còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ và thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa để hình thành nên vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

Hiện tại Hà Nội có 5 mô hình tổ chức sản xuất mạ khay, máy cấy, trong đó 4 mô hình do tổ dịch vụ hợp tác xã đảm nhận, 1 mô hình doanh nghiệp làm dịch vụ đồng bộ cho nông dân từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch sản phẩm. Để triển khai hiệu quả mô hình này, Hà Nội đang tích cực quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Việc đẩy mạnh công tác vận động nông dân tham gia các nhóm hộ dịch vụ sản xuất cơ giới hóa nông nghiệp và tăng cường mối liên kết “4 nhà” để nâng cao năng lực sản xuất lúa cũng là mục tiêu góp phần xây dựng nông thôn mới Hà Nội./.