Bước đột phá trong sản xuất lúa ở Sóc Sơn
Năng suất cao, chi phí giảm

Vụ xuân 2013, xã Tân Hưng thí điểm mô hình mạ khay, máy cấy diện tích 5ha với giống lúa T10 tại thôn Hiệu Chân. Tham gia mô hình, các hộ dân được TP, huyện hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và UBND xã Tân Hưng hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ dịch vụ thực hiện ngâm ủ, gieo mạ, chăm sóc và cấy lúa. Ông Nguyễn Văn Thu – Chủ tịch UBND xã cho biết, tốc độ cấy của máy đạt 0,6 – 0,8ha/ngày, tương đương 20 – 25 lao động vừa cấy, vừa nhổ mạ. Do đó, giải phóng được sức lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là lao động nữ và chủ động được thời vụ gieo cấy.

 
 
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt 68%. Huyện phấn đấu hết năm 2013, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 75%, trong khâu cấy và gieo mạ đạt 200 – 300ha.

Hơn nữa, do mật độ cấy lúa thưa, hàng cách hàng 30cm nên giảm được giống và ít sâu bệnh, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa trung bình đạt 58 tạ/ha, cao hơn phương pháp cấy tay truyền thống 10 – 15%. Điều quan trọng là việc ứng dụng mạ khay, máy cấy còn giúp cho người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết giữa các hộ dân, tổ hợp tác, HTX. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động, từng bước đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tạo lực để nhân rộng

Từ thành công của xã Tân Hưng, vụ mùa 2013, huyện Sóc Sơn đã triển khai áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy ra 9 xã, gồm: Tân Hưng, Đức Hòa, Tiên Dược, Tân Minh, Việt Long, Mai Đình, Phủ Lỗ, Đông Xuân và Hiền Ninh với tổng số 11 mô hình, diện tích từ 5 – 10ha/mô hình. Riêng xã Tân Hưng có 25ha áp dụng công nghệ này.

Toàn huyện Sóc Sơn có 13.400ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích cấy lúa đạt bình quân 8.500ha vào vụ xuân và 9.200 – 9.700ha vào vụ mùa. Huyện phấn đấu đến năm 2014, cơ bản diện tích gieo cấy lúa trên toàn huyện được ứng dụng mạ khay, máy cấy. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Ngọc – Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, mô hình mạ khay, máy cấy vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Đó là chi phí đầu tư ban đầu quá lớn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì người dân sẽ khó có khả năng ứng dụng. Đồng thời, các khâu gieo hạt, làm mạ, cấy phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt trong khi người dân chưa chủ động được giá thể gieo mạ…

 Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND huyện Sóc Sơn đã tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân. Ông Phạm Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện có 2 cơ chế hỗ trợ cho các mô hình mạ khay, máy cấy. Thứ nhất, huyện đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 9 xã triển khai mô hình này trong vụ mùa 2013 với tổng kinh phí 2,55 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí mua máy cấy, máy gieo hạt giống, khay gieo mạ, giá thể làm mạ; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, hoạt động của Ban Chỉ đạo, tổ kỹ thuật; 50% kinh phí tổ chức triển khai thực hiện mô hình (làm đất, cấy). Thứ hai, UBND huyện dành một nguồn kinh phí ngân sách làm quỹ hỗ trợ cho các hộ dân, nhóm hộ, HTX vay không lãi suất trong vòng 3 năm để mua máy cấy. Hình thức vay có thể là tín chấp hoặc thế chấp.

Đây là một cách làm sáng tạo của huyện Sóc Sơn khi triển khai Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 – 2016. Sau khi triển khai chính sách hỗ trợ, số lượng đăng ký mua máy cấy trên địa bàn huyện Sóc Sơn tăng nhanh. UBND huyện phấn đấu, trong năm 2014 sẽ tiếp tục bổ sung tăng thêm nguồn kinh phí cho quỹ hỗ trợ để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa trên địa bàn.