Tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sóc Sơn

Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện

Đặc điểm đất đai trên địa bàn huyện Sóc Sơn là đất bạc màu, không bằng phẳng, hầu hết các xã đều có ruộng bậc thang. Nhìn chung, hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được 70% diện tích đất canh tác ở một số ít xã; thậm chí có những vùng sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, chỉ có một số ít diện tích đất có thể cấy lúa, số còn lại chỉ có thể trồng hoa màu với năng xuất rất thấp.

 

 Bà con nông dân Sóc Sơn đang vào mùa thu hoạch. (Ảnh: K.D)

Quyết tâm thay đổi suy nghĩ của bà con nông dân, cùng với vận động tuyên truyền, huyện Sóc Sơn đẩy mạnh công tác làm giao thông thủy lợi nội đồng. Điển hình là xã Hiền Ninh. Để thực hiện làm giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ công tác dồn điền đổi thửa trên toàn xã, ngày 5/10/2012 các thôn trên địa bàn xã đã đồng loạt tổ chức lễ phát động ra quân làm hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng. Đến cuối năm 2012, các thôn đã cơ bản đào đắp xong hệ thống này với tổng khối lượng đào đắp đường và mương là 139,41km với trên 180 nghìn m3.

Công tác làm giao thông thủy lợi nội đồng được hoàn thành đã thực sự tạo thuận lợi cho việc tiến hành dồn điền đổi thửa, xóa bỏ tâm lý lo ngại của cho bà con nông dân khi nhận đất canh tác. Hộ chị Nguyễn Thị Loan, xã Hiền Ninh cho biết: Trước khi dồn điền đổi thửa gia đình chị có gần 9 sào sau khi dồn điền, gia đình chị tự nguyện nhận phần ruộng xấu hơn để được thêm diện tích là hơn một mẫu. Với số ruộng rộng hơn, gia đình chị có thể vừa cấy lúa vừa làm trang trại phát triển kinh tế hộ của gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh Nguyễn Công Khanh cũng cho biết thêm, tính đến hết năm 2012 trên địa bàn xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 1.586/1.889 hộ, số hộ một thửa là 341 hộ, số hộ hai thửa là 519 hộ và số hộ 3 thửa là 589 hộ… Sau khi dồn điền đổi thửa, trung bình mỗi hộ chỉ còn từ 2 đến 3 thửa, giảm 8 đến 9 thửa so với trước đó. Riêng ở một số thôn như Tân Thái, Nam Cương, xóm Lan Chùa mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa… Lợi ích của việc dồn điền đổi thửa đã được phát huy, thể hiện ngay trong sản xuất vụ Xuân năm 2013, thời gian gieo cấy đã rút ngắn còn 60% so với chưa dồn điền đổi thửa. Ngoài ra, sau khi dồn điền đổi thửa nhân dân đã góp được 14 ha đất để bổ sung vào quỹ đất công ích.

Cùng với xã Hiền Ninh, xã Quang Tiến cũng làm khá tốt công tác dồn điền đổi thửa, điển hình là thôn Quảng Hội với 147 hộ, 643 nhân khẩu. Tính đến ngày 15/12/2012 thôn Quảng Hội đã giao được 100% đất cho nhân dân với tổng diện tích 43,4 ha. Trước dồn điền, mỗi hộ bình quân có khoảng 7 thửa ruộng, sau dồn điền chỉ còn 1 đến 2 thửa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất đai. Đây cũng là cơ sở để quy hoạch, phân vùng sản xuất, đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất theo hướng công nghiệp hoá

Ông Nguyễn Văn Phong - Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cho biết: Từ khi triển khai thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã tiến hành dồn điền đổi thửa với tổng diện tích đạt trên 9.000ha. Sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, năng suất, sản lượng nông sản ngày càng tăng, bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh lúa, hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao. Các khâu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa như làm đất, phun thuốc, thu hoạch… đã từng bước được áp dụng cơ giới hóa. Đến nay, tổng số máy móc phục vụ cơ giới hóa toàn hiện đã đạt hơn 3.000 máy các loại như: máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy vò và máy tuốt lúa… Việc sử dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất…

Tuy nhiên, theo Bí thư Nguyễn Văn Phong, hiện nay áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện mới chỉ tập trung ở các khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển… còn các khâu như chăm sóc, thu hoạch lúa thì mức độ cơ giới hóa còn thấp, khâu gieo cấy bằng máy cũng chỉ mới thực hiện ở quy mô nhỏ, làm điểm. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đưa mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, UBND huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch “Đưa máy cấy lúa vào sản xuất nông nghiêp trên địa bàn huyện năm 2013” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết giữa các hộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã với nhau trong quá trình sản xuất để giảm chi phí, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn.

Những kết quả trong công tác dồn điền đổi thửa ở huyện Sóc Sơn cho thấy, trong khi nhiều địa phương khác trên địa bàn TP.Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa thì tại huyện Sóc Sơn triển khai thực hiện bài bản, sáng tạo và đạt kết quả cao. Đây là bài học về sự nhiệt tình, kiên quyết của đội ngũ cán bộ trong chỉ đạo cũng như vai trò quan trọng là sự đồng thuận của người dân trong công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương./.

                                                                                           Theo http://dangcongsan.vn/