Ðẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp tại Hà Nội
Nông dân sử dụng máy cấy trên cánh đồng xã Văn Hoàng (Phú Xuyên). Ảnh: DUY LINH

Sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội hiện nay về cơ bản vẫn còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Một nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn quá thấp. Ðể khắc phục tình trạng này, thành phố đang thúc đẩy tiến độ dồn điền đổi thửa, từ đó đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả.

Trong thời gian các địa phương tập trung gieo cấy vụ xuân, chúng tôi đến nhiều vùng sản xuất tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Năm nay, bà con nông dân phấn khởi vì thời tiết ấm áp, mạ phát triển tốt, khỏe và ít bị sâu bệnh. Nước đổ ải được cung cấp đầy đủ, đúng tiến độ, cho nên việc gieo cấy thuận lợi, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Tuy nhiên, hình ảnh người nông dân bì bõm lội ruộng để nhổ mạ, làm đất, căng dây cấy lúa vẫn rất quen thuộc trên khắp các cánh đồng. Bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Ðức Trạch, xã Quất Ðộng, huyện Thường Tín cho biết, việc gieo cấy vụ xuân rất vất vả vì thường diễn ra vào những ngày đầu xuân, kèm theo mưa phùn, gió rét. Vài năm gần đây, nhờ có máy làm đất, cho nên công việc của người nông dân đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, việc gieo mạ, nhổ mạ và cấy lúa vẫn chủ yếu làm bằng tay. Vụ này, bốn người trong gia đình bà phải làm cật lực hai ngày mới cấy xong hơn năm sào ruộng. Sau tám, chín tiếng lội ruộng, ngâm mình trong nước lạnh, tay chân ai cũng tê cứng, toàn thân mỏi rã rời. Một số gia đình có công việc bận hoặc ốm đau phải chấp nhận thuê cấy từ 270 nghìn đến 300 nghìn đồng/ngày công, nhưng vẫn khó tìm người cấy thuê vì công việc vất vả, ít người nhận.

Trái ngược với hình ảnh trên, tại xã Ðại Thắng (huyện Phú Xuyên), những ngày này sáu chiếc máy làm đất công suất 34 mã lực và tám chiếc máy cấy hối hả làm việc trên khắp các xứ đồng đã giúp cho công việc của bà con nông dân được thuận lợi, nhanh chóng hơn trước rất nhiều. Là đơn vị đi đầu của huyện về cơ giới hóa nông nghiệp, bắt đầu vụ xuân năm 2012, Ðại Thắng thí điểm gieo cấy bằng máy được 5 ha, đến vụ mùa được 35 ha. Vụ xuân năm nay, xã tăng diện tích cấy bằng máy lên hơn 80 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích gieo cấy của toàn xã. Ðể thực hiện công việc này, xã thành lập đội sản xuất mạ khay và điều hành máy cấy gồm 25 người, do chủ nhiệm HTX làm đội trưởng, trong đó chia thành tổ làm mạ khay, tổ làm đất và tổ chuyên cấy máy. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và thời tiết thuận lợi, toàn bộ 18 nghìn khay mạ phát triển tốt, đủ phục vụ cho các máy cấy. Chủ tịch UBND xã Ðại Thắng Phạm Văn Hùng cho biết, hiệu quả qua ba vụ cấy máy rất rõ rệt. Chi phí cấy máy mỗi sào chỉ hết khoảng 160 nghìn đồng, tiết kiệm được hơn 100 nghìn đồng/sào so với cấy bằng tay. Ðặc biệt, bà con không phải bỏ công sức gieo mạ, chăm sóc mạ, làm đất và cấy. Mạ cấy máy thẳng hàng cho nên việc chăm sóc, thu hoạch bằng máy sau này cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Trong vụ tới, Ðại Thắng sẽ tiếp tục vận động nhân dân đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích gieo cấy bằng máy lên 120 ha để đáp ứng nhu cầu của nông dân.

Cùng trên địa bàn huyện Phú Xuyên, nông dân trong sáu thôn, bảy đội sản xuất của xã Văn Hoàng cũng rất phấn khởi vì năm nay là vụ đầu tiên được sản xuất trên cánh đồng lớn và thí điểm đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Bí thư Ðảng ủy xã Văn Hoàng Nguyễn Hữu Chi cho biết, việc phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, mở mang nghề phụ không thuận lợi, cho nên để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân, xã chọn hướng tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân năm nay, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, xã đã thí điểm gieo cấy bằng máy trên diện tích hơn 90 ha trên tổng số gần 340 ha trồng lúa. Tuy mới đưa máy cấy vào sản xuất vụ đầu tiên, nhưng bà con xã viên rất phấn khởi.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên cho biết, vụ xuân năm nay tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã đồng loạt đưa cơ giới hóa vào sản xuất, diện tích được gieo cấy bằng máy đạt 25%. Việc gieo mạ khay, cấy máy đã giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm chi phí hơn ba triệu đồng/ha và năng suất lúa tăng từ 300 kg/ha đến 350 kg/ha. Từ kết quả này, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ðể phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân, thành phố Hà Nội xác định phải tập trung cơ giới hóa. Thành phố đã có đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu cơ giới hóa khâu làm đất đạt từ 90% đến 95% diện tích, gieo cấy từ 40% đến 45% diện tích và thu hoạch từ 45% đến 50% diện tích. Ðến nay, hệ thống máy móc, dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp đã hình thành, song tỷ lệ cơ giới hóa của Hà Nội vẫn ở mức thấp so với bình quân chung cả nước. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của Hà Nội đạt khoảng 70%, gieo cấy hơn 7%, thu hoạch gần 8%, trong khi tỷ lệ tương ứng của cả nước là 80%, 25% và 20%. Cơ giới hóa mới chỉ tập trung vào khâu làm đất đối với trồng lúa, vắt sữa trong chăn nuôi bò sữa... Nguyên nhân là do nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiều địa phương còn hạn chế; quy mô sản xuất còn nhỏ, ruộng đất manh mún; hệ thống giao thông nội đồng chưa phát triển; chưa hình thành được những khu sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Trình tự, thủ tục cho tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị còn phức tạp...

Chính vì vậy, để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng cải tiến hồ sơ, thủ tục hành chính để người nông dân dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư máy móc, hỗ trợ lãi suất ngân hàng; các địa phương sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với việc đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn; tích cực vận động các hộ dân tham gia hợp tác xã, tổ nhóm để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và sản xuất.

ÐẮC SƠN (http://www.nhandan.com.vn/)