Huyện Phú Xuyên xây dựng nông thôn mới
Huyện Phú Xuyên nằm trong vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Từ chỗ chỉ sản xuất được một vụ chính trong năm, rồi tăng dần lên 2 vụ, một vụ đông, đời sống của người nông dân vẫn rất khó khăn. Và cho đến khi phong trào trồng vụ đông phát triển đã cho thấy những bước đi, cách làm năng động của huyện Phú Xuyên, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội tham gia, đặc biệt là tạo dựng niềm tin tưởng vè tương lai tươi sáng trong những người nông dân một nắng hai sương.

Được biết đến là một vùng đồng đất chiêm trũng của tỉnh Hà Tây trước đây và thành phố Hà Nội ngày nay, nền nông nghiệp của huyện Phú Xuyên luôn phải đối phó với những nguy cơ mất mùa từ thiên tai, lũ lụt. Vượt lên trên những khó khăn, vào những năm đầu của thế kỷ 21, những người nông dân huyện Phú Xuyên đã sáng tạo, mạnh dạn, thử nghiệm thành công mô hình gieo vãi đậu tương đông trên đất hai vụ lúa. Với phương pháp này đã giả phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân bằng việc đưa máy lồng đè đậu, rạ sau khi vãi và còn tận dựng được ẩm độ của đất, tạo điều kiện cho cây đậu nẩy mầm và phát triển sớm. Năng suất đậu tương thu từ cách làm này cũng gần tương đương như phương pháp gieo trồng thủ công truyền thống, mà công lao động lại giảm, tiến độ và diện tích trồng được nhiều hơn. Nhận thấy được hiệu quả từ phương pháp này, huyện Phú Xuyên đã chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. 100% diện tích đất 2 lúa đã được phủ kín bởi màu xanh của đậu tương đông. Vụ đông đã trở thành vụ chính thứ 3 trong năm, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Chính những cách làm năng động, sáng tạo và phù hợp trong phát triển diện tích đậu tương đông đã tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội ở Phú Xuyên tham gia, đặc biệt là lực lượng nông dân.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từ việc triển khai thí điểm đưa cơ giới hóa gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy tại HTX Phú Thắng, xã Đại Thắng ở vụ xuân 2012 và 9 xã, thị trấn ở vụ mùa 2013; đến vụ xuân 2013, huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra 28 xã, thị trấn trong huyện. Hiệu quả của mô hình mạ khay, máy cấy đã được thực tế năng xuất lúa và chi phí cho sản xuất.Những người nông dân Phú Xuyên đang tiến gần hơn với khoa học kỹ thuật. Hiệu quả từ mô hình gieo mạ bằng khay, cấy lúa bằng máy đã được minh chứng từ những mùa vàng bội thu. Năng suất lúa tăng từ 800 – 1.200 kg thóc/ ha, giảm chi phí 3 triệu đồng/ ha so với cấy bằng tayTrong những ngày thời vụ, nông dân vẫn có thể tham gia làm các nghề phụ khác để tăng thêm thu nhập vì họ không còn phải dành nhiều thời gian cho công cấy lúa. Chính từ những yếu tố đó mà nông dân huyện Phú Xuyên rất hào hứng và ủng hộ việc áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy trong sản xuất. Hiện nay, toàn huyện có 65 chiếc máy cấy và số lượng sẽ tiếp tục gia tăng trong các vụ tiếp theo để đáp ứng nhu cầu cấy máy của bà con nông dân trong huyện. Ngoài ra, việc đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp cũng được huyện trú trọng từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy và thu hoạch. Để phù hợp với đặc điểm và điều kiện vùng đồng đất chiêm trũng như ở Phú Xuyên, huyện và các xã, thị trấn đang nghiên cứu, tìm hiểu và thử nghiệm loại máy gặt đập liên hoàn thích hợp nhất, đặc biệt là với những diện tích lầy, cây lúa không đứng thẳng.

Hình ảnh đồng chí Bí thư Huyện ủy thăm mô hình mạ khay tại xã Sơn Hà ở vụ xuân 2013

Bên cạnh đó, việc đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi được huyện và các xã, thị trấn luôn quan tâm, trú trọng, đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ, nhóm hộ phát triển kinh tế gia đình gắn với trồng, nuôi các con đặc sản và nhân ra diện rộng. Các mô hình như trồng bưởi diễn, thanh long ruột đỏ, chăn nuôi tập trung đang xuất hiện ngày càng nhiều. Để có mặt bằng cho các hộ chăn nuôi sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng chuyển đổi tập trung theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã có 22 xã và 93 thôn đã được phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa và có 8 xã đã hoàn thành giao ruộng ngoài thực địa cho nhân dân. Số hộ 1 thửa là 5.397 hộ và 21.966 hộ 2 thửa, bình quân 1,86 thửa/ hộ. Trong quá trình dồn điền đổi thửa, nhiều nơi, bà con xã viên đã dồn ghép theo mô hình nhóm hộ để cùng chuyển đổi và đầu tư phát triển kinh tế. Cùng với dồn điền đổi thửa, công tác đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng được các xã triển khai tích cực. Đến nay, toàn huyện đã đào đắp được 4.739.021 m3, với những con đường trải rộng thênh thang 5m, 7m rất thuận lợi cho nhân dân trong những mùa thu hoạch. Diện mạo nông thôn đang có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhận thức và tư duy của người dân có nhiều đổi mới.  Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện và các xã triển khai đồng bộ. Trong quý I/ 2013, toàn huyện đã mở 70 lớp dạy ngề cho 2.450 người, 11 lớp khuyến công cho 715 người, 30 lớp khuyến nông cho 1500 người và 20 lớp tập huấn kỹ thuật làm mạ khay, máy cấy cho 4500 người. Đặc biệt, huyện Phú Xuyên đã tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm với quy mô toàn huyện lần thứ nhất. Thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và trình độ, kiến thức về KHKT cho người nông dân, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. 

Trong chương trình xây dựng NTM, toàn huyện có 1 xã đạt 15/19 tiêu chí, 4 xã đạt từ 9-11 tiêu chí, 13 xã đạt từ 7-8 tiêu chí. Trong quá trình xây dựng NTM, các xã đều đề ra tiến độ thực hiện các tiêu chí nhất phấn đấu thực hiện trong từng năm và phấn đấu xây dựng thành công NTM theo lộ trình đã đề ra.

Với những bước đi và cách làm đúng đắn mà Đảng bộ, chính quyền cùng sự năng động, sáng tạo của những người dân Phú Xuyên đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn Phú Xuyên, nâng cao đời sống nhân dân, đưa huyện Phú Xuyên ngày một phát triển./.

                                                                                                         Theo (http://phuxuyen.hanoi.gov.vn/)