Mở rộng mạ khay, máy cấy ở các tỉnh phía Bắc

Trình diễn sử dụng máy cấy Kubota 1,5 mã lực, cấy 4 hàng

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ xuân 2011 một số mẫu máy cấy đã được đưa vào thử nghiệm ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền Trung. Áp dụng kỹ thuật này cho hiệu quả rõ rệt, năng suất lúa tăng, giảm chi phí sản xuất và sức lao động của nông dân. Đồng thời góp phần thúc đẩy chuyên nghiệp hóa khâu làm mạ, xuất hiện tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp làm mạ cung cấp nông dân.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT cho triển khai các mô hình máy cấy lúa trên diện rộng. Bên cạnh đó, Trung tâm kiến nghị thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân có thể tiếp cận vay vốn. Đề nghị Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ chương trình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong những năm tiếp theo.

Cũng tại diễn đàn nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, các sản phẩm máy móc... đã được giải đáp và giới thiệu bởi Hội đồng cố vấn.

Được biết, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình trình diễn mạ khay, máy cấy với diện tích 20 ha tại 4 HTX ở 4 huyện của Hà Nội có diện tích lúa lớn với loại máy Kubota 1,5 mã lực, cấy 4 hàng. Năng suất cấy lúa đạt 0,8 - 1 ha/máy/ngày, tương đương với 25 - 30 lao động. Ngoài ra, phương pháp này giúp tăng năng suất 10% so với phương pháp truyền thống. Từ kết quả của mùa vụ năm 2011, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm 70 ha; vụ xuân 2013, diện tích lúa được cấy bằng máy đã tăng lên 1.500 ha.